Quan niệm cân bằng Âm Dương trong phong thuỷ
- 1503 Views
- August 24, 2018
- Phong Thủy
Quan niệm trên còn mang theo tính hài hoà trong kiến trúc hiện đại.
Để một công trình kiến trúc có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài hàng trăm năm nó phải đạt đựơc ít nhất là hai yếu tố: Thứ nhất là về tính thẩm mĩ của công trình; Thứ hai là phải hợp lí trong công năng sử dụng.
Hay nói ngắn gọn là công trình đó phải đẹp và hài hoà thì nó mới tồn tại lâu dài bên cạnh đó phải hợp lý trong quá trình sử dụng thì nó mới được người đời trân trọng gìn giữ và không bị thay thế bằng công trình khác. Đứng dưới góc độ Phong Thuỷ mà nói, để công trình kiến trúc tồn tại được trong một thời gian dài thì các yếu tố về cân bằng Âm dương và ngũ hành phải đạt đến mức độ chuẩn mực. Tức là nó phải bao hàm cả yếu tố thẩm mỹ và tính hài hoà cân đối. Khi các yếu tố về Âm Dương và Ngũ hành cân bằng – tức là tính thẩm mỹ, tính hài hoà và cân đối cao – thì tự bản thân công trình sẽ có tác động tích cực đến ý thức con người, khiến người ta trân trọng và có ý nghĩ bảo tồn nó.
Nói cụ thể hơn như chúng ta cũng biết trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc, sự phối hợp giữa các mảng đối lập tạo nên tính thẩm mĩ công trình (về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu). Trong cân bằng có yếu tố cân bằng động và cân bằng tĩnh, nhưng chung quy vẫn cần có sự cân bằng. Để có được sự cân bằng này thì việc điều chỉnh các mảng đối lập phải tìm được sự hài hoà nghĩa là đạt được những tỉ lệ chuẩn mực. Những yếu tố cần về sự hài hoà trong kiến trúc hiện đại trên đây cũng chính là quan niệm của phong thuỷ với khái niệm hài hoà Âm Dương và tính tương sinh của Ngũ hành.
Như vậy, chúng ta thấy rằng: Quan niệm cân bằng Âm Dương, Ngũ hành hài hoà chính là một quan niệm phổ biến của thuyết Âm Dương Ngũ hành và cũng như ứng dụng trong phong thuỷ.